TRIỂN KHAI THÔNG TƯ 20/2022/TT-BNNPTNT CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ngày 22/12/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/02/2023

Một số điểm cần lưu ý, cụ thể:

 1. Về tiêu chuẩn người giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực NN&PTNT đối với công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam được lựa chọn, xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực NN&PTNT phải có đủ các tiêu chuẩn gồm:

+ Thứ nhất, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012.

+ Thứ hai, có trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam. (So với Thông tư 49/2014/TT-BNNPTNT bổ sung thêm trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam).

+ Thứ ba, có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực giám định tư pháp mà người đó được bổ nhiệ

  2. Về trình tự thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực NN&PTNT, triển khai như sau: Xem xét đối tượng giám định; Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung được trưng cầu giám định; Thực hiện giám định; Xây dựng, ban hành Kết luận giám định; Lập hồ sơ giám định.

- Người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện, năng lực thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định.

3. Các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp lĩnh vực NN&PTNT bao gồm:

- Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012;

- Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012;

- Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính do cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giám định tư pháp;

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 6 Luật Giám định tư pháp 2012;

- Có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật;

- Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp;

- Theo đề nghị của giám định viên tư pháp. Trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp;

- Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm không thành lập Văn phòng hoặc sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập Văn phòng mà không đăng ký hoạt động.

(Quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp 2012, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020)

 4. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp lĩnh vực NN&PTNT, bao gồm:

- Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị miễn nhiệm;

- Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp 2012 được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 hoặc đơn xin miễn nhiệm của giám định viên tư pháp, được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.

5. Thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý, thu lại thẻ giám định viên tư pháp của người được đề nghị miễn nhiệm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp; phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp;

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định việc miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện thu hồi thẻ giám định viên tư pháp, điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gửi Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

Tin liên quan