Chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Để chăm sóc tốt cây trồng vụ Đông Xuân 2022 – 2023 trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Cục Trồng trọt đã ban hành văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các công việc sau:

1. Cây lúa 

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương, khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, tập trung chăm sóc, làm cỏ, tỉa dặm, bón phân,… Tùy tình trạng sinh trưởng, phát triển cây lúa hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với từng địa phương, giúp cây lúa đẻ nhánh sớm và đạt số nhánh hữu hiệu cao, có thể khuyến cáo bổ sung phân bón lá trung, vi lượng và phân bón có chứa các nguyên tố Ma nhê, Silic cao giúp cho lúa cứng cây, chống đỗ ngã. 

- Chỉ đạo điều tiết nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm ngay từ đầu vụ, đảm bảo đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa, nhất là giai đoạn làm đòng và trổ bông. Đồng thời, tận dụng tối đa nguồn nước hiện còn trên các sông, rạch để cung cấp cho cây trồng, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong hồ chứa phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, cần tăng cường hướng dẫn nông dân thực hành, áp dụng kỹ thuật tưới “nông lộ phơi”; tưới ngập khô xen kẻ, tưới nước theo Sổ tay hướng dẫn quy trình tưới lúa tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính của Tổng Cục Thủy lợi. 

- Theo dõi diễn biến dịch hại đồng ruộng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hướng dẫn phòng trừ sớm bệnh đạo ôn lá, khô vằn,..; Theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu để chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. 

- Khi có mưa trái mùa gây ngập úng cục bộ cần chú ý khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, hạn chế để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển lúa và các nấm gây bệnh như đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn phát sinh gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất. 

- Các địa phương có sản xuất lúa vụ Hè Thu sớm cần theo dõi diễn biến nguồn nước chặt chẻ, xây dựng lịch thời vụ sản xuất cụ thể cho từng vùng để chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết, khí tượng thủy văn đối với sản xuất.

2. Cây rau màu: 

- Diện tích cây rau màu đã xuống giống cần tranh thủ xới xáo, phá váng, làm cỏ; chăm sóc, tỉa, dặm, và bón phân trước Tết theo quy trình kỹ thuật để giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời theo dõi, kiểm soát các loại dịch hại khác trên cây rau màu và tổ chức thực hiện tốt việc phòng trị kịp thời, hiệu quả. 

- Khi có mưa trái mùa gây ngập úng cục bộ cần chú ý triển khai đào các rãnh nhỏ trên líp để thoát nước; sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK... Nếu bị ngập, sau khi nước rút 2-3 ngày cần hướng dẫn nông dân chăm sóc để phục hồi bộ rễ và hạn chế thấp nhất các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ,…

3. Cây công nghiệp:

 - Tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, ...); Tích cực tích trữ nước, sử dụng tốt mọi nguồn nước có được (đào ao trữ nước, làm đập dâng, đập tạm giữ nước,...) và chuẩn bị các giải pháp phòng chống hạn trong mùa khô. 

- Tăng cường tủ gốc, sử dụng cây che bóng, cây chắn gió để hạn chế bốc thoát hơi nước và tỉa bớt những cành, nhánh bị sâu bệnh, cành vượt, cành yếu.

 - Tăng cường công tác dự tính, dự báo sâu bệnh hại trên cây công nghiệp như điều, hồ tiêu, cà phê,… thông tin dự tính, dự báo cần được cập nhật thường xuyên và có hướng dẫn kịp thời tới người sản xuất.

4. Cây ăn quả:

 - Chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình,…) hoặc màng phủ nông nghiệp tủ gốc để giữ ẩm cho cây. Chú ý cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế bốc thoát hơi nước.

- Củng cố hệ thống đê bao và đê xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập, đào ao trữ nước trong vườn, trữ nước ngọt, đảm bảo đủ lượng nước ngọt sử dụng trong mùa khô để bảo vệ an toàn cho vườn cây ăn quả. 

- Vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước; Đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn >1‰ cho cây. Đối với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,.. không tưới nước có độ mặn > 0,5‰. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới). 

- Khi đã bị nhiễm mặn: Bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột lượng 500 - 1.000 kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây. 

- Không tiến hành rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây. - Khi có mưa trái mùa cần chú ý triển khai một số biện pháp kỹ thuật sau:

+ Đối với những vùng đất thấp, dễ bị ngập úng: Đào các rãnh nhỏ trên líp để thoát nước, tránh hiện tượng ngập úng cục bộ.

+ Đối với những vườn cây đang ra hoa, mang trái non: Sau cơn mưa trái mùa, cần tưới nước xả lên toàn bộ tán cây để hạn chế rụng hoa và trái non. 

+ Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun phân bón lá có chứa Ca, Cu, B, Zn để tránh hiện tượng nứt quả. 

+ Mưa trái mùa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh thối trái, thán thư,. phát triển và gây hại, chú ý phòng trị bệnh cho vườn cây ngay sau khi mưa.

5. Sau Tết: Vận động nông dân ra đồng sớm, theo dõi chặt chẽ đồng ruộng, tích cực chăm sóc cây trồng theo đúng thời kỳ sinh trưởng, phát triển./.

Tin liên quan