Một số giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất cây măng cụt trên địa bàn huyện Tiên Phước

Măng cụt là cây ăn quả nhiệt đới, có phổ thích nghi rộng, phát triển phù hợp ở nhiều loại hình đất đai… Đặc biệt, khả năng chống chịu với thiên tai (khô hạn, mưa bão…) của cây măng cụt vượt trội so với các cây ăn quả khác trong cùng điều kiện… Ở Việt Nam, cây măng cụt được trồng từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào các tỉnh phía Nam từ nhiều năm trước và đã hình thành một số vùng trồng mang tính hàng hóa phục vụ thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Đối với Quảng Nam, cây măng cụt đã được nhân dân trồng từ lâu đời, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa bàn các huyện vùng trung du, miền núi như: Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Bắc Trà My… Theo đó, măng cụt được xác định là một trong những sản phẩm có thế mạnh trong Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và đã được đưa vào Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam giai đoạn 2022-2025.

Cây măng cụt trên 80 năm tuổi tại xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước

Riêng đối với huyện Tiên Phước, mùa vụ thu hoạch măng cụt có sự chênh lệch so với các địa phương khác (vùng Nam bộ); sản xuất chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, ít tác động các chất hóa học, chất lượng sản phẩm tốt nên việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi, giá bán cao, bước đầu đã khẳng định được giá trị vướt trội trong phát triển kinh tế vườn của địa phương…