Học tập trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Ngày 13/10/2022, tại tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam làm việc với đoàn công tác tỉnh Hậu Giang về học tập trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thành phần đoàn công tác tỉnh Hậu Giang, có Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; cùng Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc IOC Sở Thông tin và Truyền thông; Phó trưởng phòng nghiên cứu Tổng hợp – Vp UBND tỉnh; đại diện VNPT Hậu Giang.

Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam có ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 của Sở; cùng tham dự buổi làm việc có Trưởng phòng, Thủ trưởng các Phòng (tương đương), đơn vị trực thuộc Sở. 

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo và kế hoạch triển khai của UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về Cải cách hành chính và Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình Chuyển đổi số trong toàn ngành. Bên cạnh đó, trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định nhiệm vụ nâng cao nhận thức, kỹ năng về Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần ưu tiên thực hiện, do đó đến nay, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã tổ chức thành công các hoạt động như: (1) Xây dựng chuyên mục Chuyển đổi số trên trang TTĐT của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các website của các đơn vị trực thuộc Sở; triển khai hoạt động cung cấp cung cấp và khai thác thông tin app Smart Quảng Nam trong toàn Sở;  (2) Xây dựng các phóng sự chuyên đề về chuyển đổi số phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam; (3) Tổ chức “Hội nghị Chuyển đổi số Nông nghiệp Quảng Nam”; (4) Tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh cho 190 Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; (5) Tổ chức Hội thảo "Giải pháp thực hiện Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Quảng Nam"; (6) Tổ chức tập huấn hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp cho cán bộ phụ trách chuyển đổi số của đơn vị trực thuộc Sở; Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế, Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp và hơn 30 Giám đốc các HTX tiêu biểu có hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; (7) Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã cử cán bộ giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên, chuyên viên phụ trách theo dõi chuyển đổi số thuộc các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở tham gia chương trình bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số do tỉnh Quảng Nam tổ chức.

 Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác truyền thông chuyển đổi số, ngành nông nghiệp đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giải quyết hồ sơ công việc trên môi trường mạng; triển khai nhập dữ liệu báo cáo hàng tháng trên hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Quảng Nam (LRIS) và tích hợp số liệu vào hệ thống IOC tỉnh Quảng Nam nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, tổ chức triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp và PTNT được Bộ Nông nghiệp và PTNT  cấp quyền sử dụng và khai thác. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Quảng Nam đang triển khai thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống dữ liệu ngành Nông nghiệp từ tỉnh đến địa phương cấp xã và kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Đang xây dựng: phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân; app Phòng chống thiên tai ứng dụng trên điện thoại, máy tính. Đã tổ chức xây dựng và đưa vào vận hành: ứng dụng VRAIN trên điện thoại; hệ thống quản lý, giám sát rừng tỉnh Quảng Nam; phần mềm quản lý dữ liệu Thanh tra pháp chế. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số phục vụ quá trình Chuyển đổi số toàn ngành. Xây dựng và nâng cấp website của các đơn vị trực thuộc Sở.

 Ngoài ra, để định hướng phát triển kinh tế số nông nghiệp, trong giai đoạn đến, ngành Nông nghiệp Quảng Nam tập trung nguồn lực hỗ trợ vào nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ có tiềm năng thực hiện phát triển kinh tế số nông nghiệp; đối tượng sản xuất là nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP; tập trung cho xã/huyện phấn đấu về đích NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh theo định hướng xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị trong đó: Thúc đẩy sản xuất theo qui trình kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận tại vùng nguyên liệu; thúc đẩy phát triển mạnh liên kết sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại vùng nguyên liệu, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản chủ lực, đặc hữu, sản phẩm OCOP gắn với hệ thống truy xuất nguồn gốc; đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, sản phẩm OCOP…

Quang cảnh tại buổi làm việc

Về phía tỉnh Hậu Giang, đồng chí Trương Cảnh Tuyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Địa phương đang triển khai xây dựng bản đồ số hóa thổ nhưỡng. Trên cơ sở đó, sẽ yêu cầu đến chính quyền cấp xã cung cấp đầy đủ dữ liệu trên địa bàn xã. Từ bản đồ số hóa đó, sẽ đưa ra những khuyến cáo tại mỗi vùng nên phát triển đối tượng cây trồng, con vật nuôi phù hợp. Đây sẽ là hệ thống dữ liệu nhằm phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của người dân trong việc định hướng phát triển sản xuất; đồng thời phục vụ các cấp chính quyền trong công tác quản lý vùng sản xuất và cung cấp nhanh các báo cáo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Đồng thời, Hậu Giang đang tập trung thực hiện phát triển kinh tế số cho nông sản chủ lực nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế của nông sản chủ lực; gắn truy xuất nguồn gốc và gắn chỉ dẫn địa lý, hướng đến thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ  thực hiện các app thông tin ngành nông nghiệp với sự tham gia cung cấp dữ liệu tới chính quyền địa phương cấp xã để cung cấp thông tin chính thống cho người dân và thuận lợi cho người dân trọng việc tiếp cận các hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp nhằm giúp người dân chủ động trong việc tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thu hoạch phù hợp nhất./. 

Tin liên quan