Mô hình Trồng rừng sản xuất (cây keo) tại Thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn
Theo Kế hoạch, tỉnh Quảng Nam dự kiến trồng 51,6 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025
(trong đó: 48,234 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn và 3,366 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất).
Đối với trồng cây phân tán: Dự kiến trồng 4,98 triệu cây ăn trái kết hợp lấy gỗ (ưu tiên trồng các loài cây: Măng cụt, Cam sành, Cam đường, Bưởi da xanh, Sầu riêng, Mít, Ổi, Vú sữa, Xoài, Bơ, Mận, Nhãn lồng, Khế, Dẽ, Xoay, Chay…); trồng 40,9 triệu cây xanh khu vực nông thôn kết hợp lấy gỗ (ưu tiên trồng các loài cây: Xà cừ, Muồng hoa đào, Vông, Hồng, Sữa, Ngọc lan, Lan túa, Long não, Dạ hương, Muồng ngủ, Gạo, Phượng, Me, Bàng lang nước, Muồng hoa vàng, Vàng anh, Keo, Bạch đàn, Phi lao, Tre, Cau, Dừa,...) và trồng 2,354 triệu cây xanh đường phố, công viên, trường học, Bệnh viện, khu công nghiệp,…
Đối với trồng cây xanh trên đất quy hoạch lâm nghiệp (trồng rừng): Dự kiến trồng 1,5 triệu cây tại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư và rừng phòng hộ biên giới; trồng 416 cây tại rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và trồng 1,45 triệu cây tại rừng sản xuất bằng giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao (Gáo vàng, Sơn ta, Đàn hương, Sưa, Giổi xanh, Tếch, Quế, Dó bầu, Trẩu, Xoan ta, Keo tai tượng úc,...).
Mục đích chính của Kế hoạch là nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết nhu cầu gỗ làm nhà cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Kế hoạch được chia làm theo từng năm, cụ thể: Năm 2021 (trồng khoảng 8,697 triệu cây), năm 2022 (trồng khoảng 9,502 triệu cây), năm 2023 (trồng khoảng 10,301 triệu cây), năm 2024 (trồng khoảng 11,161 triệu cây) và năm 2025 (trồng khoảng 11,939 triệu cây).