Ngày 31 tháng 12 của năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021, với tinh thần cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các ngành các cấp tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp hai lần so với kết quả thực hiện năm 2020.
Có thể nói tăng cường trồng cây xanh là một chủ trương vừa đúng về tư duy, vừa hướng trúng mục tiêu, lại phù hợp với xu hướng biến đổi khí hậu và bối cảnh hợp tác quốc tế, kể cả giai đoạn phát triển cao hơn là hội nhập quốc tế của nước ta. Vì vậy, cụ thể hóa chủ trương này vào thực tiễn mang lại hiệu quả là việc làm cấp bách và nhiệm vụ lâu dài của các ngành, các cấp và của mỗi người chúng ta.
Theo dòng lịch sử về nguồn gốc hình thành và quá tình tiến hóa thì cuộc sống của loài người luôn gắn bó, không thể tách rời khỏi thiên nhiên, đây là điều kiện cần và đủ để con người bảo toàn sự sống và phát triển. Thế nhưng song hành với sự phát triển và dưới tác động của con người, các yếu tố thuộc về tự nhiên, thiên nhiên đang dần bị mất đi. Khí hậu thay đổi, thời tiết bất thường cộng với nhiều nguồn ô nhiễm (nguồn nước, rác thải, khói bụi, tiếng ồn…) gây ra cho con người những bất lợi về sức khỏe, cũng như những hậu quả do thiên tai gây ra là quá lớn. Để bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống của con người, hạn chế thấp nhất tác động về biến đổi khí hậu, ngoài các biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm thì việc trồng rừng và phát triển cây xanh tạo cảnh quan ở đô thị cũng như làng quê có vai trò vô cùng quan trọng, đồng thời đúng với tư duy logic về quy luật sinh học.
Mặt khác, xu hướng biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng. Trong năm qua, với 13 cơn bão kết hợp với mưa lũ lịch sử, miền Trung trải qua 45 ngày liên tục chìm trong bão lũ, sạt lở đất kinh hoàng; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, nhiễm mặn thường xuyên, tiếp tục xảy ra tại các tỉnh Miền Tây và Duyên hải Nam Trung bộ; động đất xuất hiện ở các tỉnh Tây bắc… gây tổn thất lớn về người và tài sản mà chưa bao giờ Việt Nam phải hứng chịu thiên tai dồn dập như thế. Nguyên nhân nhận diện đầu tiên có thể nói, đây là hậu quả tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và do hoạt động của con người. Từ đó đặt ra yêu cầu trồng cây, gây rừng trở thành hành động vừa cấp bách thực hiện ngay, vừa là nhiệm vụ chiến lược dài lâu.
Bên cạnh đó, xét về mặt kinh tế và phát triển của xã hội đòi hỏi ngày càng cao về nguyên liệu gỗ và lâm sản đáp ứng nhu cầu sản xuất và chế biến, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, việc phát triển trồng rừng, tập trung vào trồng rừng gỗ lớn, các loại cây mang lại giá trị kinh tế, bảo đảm môi trường và phát triển bền vững là hướng đi tất yếu và hiệu quả, hướng đến trúng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường một cách toàn diện. Trong bối cảnh hội nhập, vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là yếu tố đảm bảo thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là thành viên; đồng thời làm tăng tính tích cực, chủ động của Việt Nam khi tham gia, đóng góp trong các hoạt động và sự kiện quốc tế.
Hy vọng rằng, Chỉ thị quan trọng này của Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai hiện thực hóa với những việc làm cụ thể, hiệu quả để môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp; kinh tế phát triển bền vững; sức khỏe và sự sống con người được bảo toàn./.